Thế giới blog vẫn còn mới mẻ với bạn. Bạn vẫn mơ hồ với nhiều thuật ngữ mà các blogger hay dùng. Hiểu được điều này, mình đã tổng hợp lại một danh sách thuật ngữ đi kèm chú giải tương ứng.
Mình cũng lưu ý:
Một vài thuật ngữ rất khó dịch sang tiếng Việt. Nếu làm vậy sẽ giảm đi sự rõ ràng về ý nghĩa, nên xu hướng chung là mọi người dùng xen kẽ tiếng Anh và tiếng Việt. Đây là cũng là điều bạn phải quen thuộc khi bước chân vào thế giới công nghệ.
Admin Area
Admin Area là khu vực quản trị của một website WordPress. Mặc định bạn có thể truy cập trang quản trị bằng nhập đường dẫn sau: http://www.example.com/wp-admin/.
Trên khu vực quản trị, quản trị viên (Administrator) là người có thể truy cập mọi chức năng. Nhưng đối những người sử dụng (user) với các vai trò (role) khác như người biên tập (editor), người cộng tác (contributor), hay tác giả (author), sự truy cập bị giới hạn. Đặc biệt những người sử dụng với vai trò người đăng ký (subscriber) chỉ truy cập được trang profile của họ trong khu vực quản trị.
Trên cùng của màn hình quản trị là Admin Bar (thanh điều hướng). Thanh điều hướng màu đen được hiển thị cố định trên website WordPress mỗi khi bạn đăng nhập.
Ở bên trái là thanh di chuyển chính nơi mà bạn có thể truy cập tất cả công cụ quản trị WordPress.
Khu vực giữa là khu vực làm việc. Đây là nơi bạn có viết, biên soạn, hay xóa các bài post.
Dưới cùng là phần footer, chứa liên kết tới trang chủ WordPress, cũng như là phiên bản WordPess bạn đang sử dụng
Backlink
Backlink là một liên kết mà một website nhận được từ website khác. Backlink có tác động rất lớn đến thứ hạng trang web của bạn trên kết quả tìm kiếm của Google. Tất nhiên có nhiều yếu tố tham gia vào quá trình bộ máy Google xếp hạng các trang web. Không ai biết rõ về những yếu tố này và nó là bí mật thuật toán của Google. Nhưng một điều chắc chắn backlink là một yếu tố quan trọng.
Vì vậy xây dựng backlink là điều gần như bắt buộc bạn phải làm nếu bạn muốn cải thiện thứ hạng trang web của bạn. Không phải mọi backlink đều giống nhau. Backlink mà bạn cần có phải là backlink tự nhiên và có chất lượng.
Do tầm quan trọng của backlink, nên nhiều người đã sử dụng các kỹ thuật blackhat trong việc có được backlink, ví dụ như mua bán backlink. Đây là điều Google không muốn. Sử dụng những kỹ thuật đó đồng nghĩa với việc bạn đang mạo hiểm với trang web của bạn. Bởi vì Google có thể phạt bạn bằng việc không đánh chỉ mục và đẩy trang web vào vùng tối thế giới của Web. Nơi mà chả ai tìm ra trang web của bạn từ công cụ tìm kiếm của Google.
Hãy nhớ rằng chất lượng backlink quan trọng hơn số lượng backlink. Và backlink phải luôn luôn tự nhiên. Hình dung rằng bạn có blog về ẩm thực. Và bạn nhận được liên kết từ một trang web ẩm thực khác có uy tín. Đấy chính là backlink tự nhiên và có chất lượng.
Còn nếu bạn nhận đống backlink từ các trang web rác rưởi khác, dặc biệt không liên quan đến chủ đề trang web của bạn. Hãy cẩn thận vì rất có thể bạn sẽ bị Google túm gáy vào một ngày đẹp trời.
Để xem backlink mà trang web của bạn nhận được bạn có thể dùng công cụ Google Search Console. Còn nếu bạn muốn xem backlink của một trang web bất kỳ, hãy sử dụng SEMRush
Category
Category là hình thức phân loại nội dung trong WordPress dành cho Post. Theo nghĩa tiếng Việt nó được dịch là “chuyên mục”.
Ví dụ khi bạn có trang web bán hàng trực tuyến, bạn có thể nhóm các bài post về các sản phẩm điện máy trong category là điện máy.
Cách tạo Category
Bạn có 2 cách tạo Category:
Sử dụng trình quản lý Category (Posts → Category):
Một cách khác, bạn có thể tạo Category ngay trong màn hình soạn thảo Post (Posts-> Add New):
Nơi hiển thị Category?
Bạn có thể hiển thị Category trên Menu (Appearance->Menus)
Cách khác, bạn có thể hiện thị Category bằng việc đưa widget Categories ra Sidebar (Appearance → Widgets):
CMS
CMS (Content Management System) – Hệ quản trị nội dung là phần mềm giúp bạn tạo nội dung, quản lý, chỉnh sửa và sắp xếp lại nội dung, vân vân. WordPress là một phần mềm CMS.
Lợi ích của WordPress chính là cho phép bất kỳ ai cũng có thể tạo và quản lý nội dung mà không cần hiểu biết nhiều về kiến thức kỹ thuật. Bạn không cần phải biết bất kỳ dòng code nào để xuất bản nội dung trên WordPress.
Bên cạnh WordPress, còn nhiều phần mềm CMS chẳng hạn:
Joomla
Drupal
OpenCMS
Magento
FTP
FTP là chữ viết tắt của File Transfer Protocol (tiếng Việt hiểu là Giao thức truyền tập tin). Nói nôm na FTP là cách thức giúp bạn chuyển dữ liệu/tập tin giữa hai máy tính với nhau thông qua giao thức TCP/IP.
Trong FTP, có ít nhất 2 máy tính kết nối với nhau. Một máy được gọi là Máy chủ (Host). Máy còn lại được Máy khách (Client). Host sẽ chịu trách nhiệm nhận kết nối từ Client. Sau khi kết nối thành công, host và client có thể trao đổi dữ liệu với nhau. Mặc định, FTP sử dụng cổng mạng 21 để nhận kết nối.
Tất cả các công ty hosting đều hỗ trợ FTP. Cụ thể khi đăng ký hosting, bạn sẽ được cung cấp tài khoản FTP để kết nối với host. Để kết nối với host bạn sử dụng một phần mềm gọi FTP Client. Phần mềm FTP Client phổ biến hiện giờ là FileZilla, WinSCP .
Lưu ý: Để truy cập các tập tin trên server bạn có thể dùng FileManager từ cPanel. Nhưng nếu bạn muốn sửa tập tin cấu hình .htaccess bạn phải sử dụng FTP. Vì chỉ truy cập thông qua FTP bạn mới nhìn thấy .htaccess.
cPanel
cPanel là một phần mềm chạy nền tảng web mà công ty hosting cung cấp cho bạn khi bạn đăng ký dịch vụ hosting. Với phần mềm, bạn sẽ dễ dàng thực hiện các tác vụ liên quan đến gói hosting mà không cần đòi hỏi nhiều kiến thức kỹ thuật. Các tác vụ mà bạn có thể thực hiện qua cPanel có thể kể đến như quản lý cơ sở dữ liệu, tên miền, tài khoản email, sao lưu.
Domain
Domain hay tên miền là một tên được sử dụng để xác định một website trong thế giới internet. Thông thường một website được gắn với một địa chỉ IP. Chúng là những dãy số chẳng hạn 192.168.1.1, giúp trình duyệt web tìm ra website trên internet. Để làm cho mọi thứ đơn giản, mỗi website sẽ có một cái tên. Bạn có thể suy nghĩ đơn giản tên miền là phiên bản dễ nhớ dành cho con người của địa chỉ IP.
Tên miền thường được chia ra làm 2 loại:
* Tên miền quốc gia
* Tên miền quốc tế
Tên miền quốc gia là gì?
Tên miền quốc gia là tên miền có đuôi mở rộng (domain extension) tượng trưng cho quốc gia đó. Ví như .vn tượng trưng cho quốc gia Việt Nam.
Tên miền quốc gia chỉ được đăng ký từ quốc gia đó. Ví dụ bạn muốn đăng ký tên miền .vn bạn phải sử dụng dịch vụ của các nhà cung cấp tên miền trong nước.
Đối với tên miền quốc gia còn có thêm tên miền phụ nữa (gọi là tên miền cấp 3) ví dụ .com.vn, .edu.vn....
Tên miền quốc tế
Tên miền quốc tế là tên miền có phần đuôi mở rộng không tượng trưng cho bất kỳ quốc gia nào. Thay vì đó nó mô tả ý nghĩa của nó. Ví dụ một vài tên miền quốc tế mà bạn hay gặp .com, .net, .org, .info...
Khác với tên miền quốc gia, tên miền quốc có giá thành rẻ hơn và bạn có thể đăng ký nó ở một nhà cung cấp tên miền bất kỳ. Hiện nay, Godday vẫn là nhà cung cấp tên miền lớn nhất trên thế giới. Và ICANN (the Internet Corporation For Assigned Names And Numbers) chính là tổ chức cho phép các nhà cung cấp tên miền bán tên miền.