Hơn một triệu lượt cài đặt.
Rating 4.5.
Đó là những con số khẳng định sự phổ biến của Yoast SEO.
Không nghi ngờ gì, Yoast SEO là plugin SEO WordPress tốt nhất hiện giờ.
Đối với cá nhân mình, Yoast SEO luôn là plugin trong danh sách plugin bắt buộc phải cài đặt cho mọi trang WordPress.
Tuy nhiên mình nhận thấy phần cấu hình Yoast SEO có thể làm bạn, những người mới làm quen WordPress, choáng ngợp. Làm sao để cấu hình Yoast SEO chuẩn nhất?
Với bài viết khá dài và tỉ mỉ này, mình sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi đó. Bên cạnh đó, mình cũng đưa ra rất nhiều lời khuyên để tận dụng hết sức mạnh của plugin Yoast SEO.
Nào, chúng ta cùng bắt đầu thôi.
Cách cài đặt và thiết lập Yoast SEO
Cách cài đặt plugin Yoast SEO giống như các plugin WordPress thông thường khác. Đi tới Plugins -> Add New và đánh ‘WordPress SEO’ trong hộp tìm kiếm. Yoast SEO sẽ xuất hiện ở kết quả đầu tiên. Ấn Install, sau đó Activate ngay khi quá trình cài đặt kết thúc.
Bây giờ mình sẽ giải thích chi tiết các chế độ thiết lập trong Yoast SEO.
Về mặt cấu hình, Yoast SEO chia ra làm 2 phần: global settings hay cấu hình toàn trang, và local settings. Những thiết lập trong global settings sẽ có tác dụng cho toàn bộ website. Local settings là những thiết lập cục bộ bạn áp dụng cho từng Page hay Post.
Đầu tiên chúng ta xem xét cách cấu hình cho toàn bộ trang. Với cấu hình đúng bạn sẽ có cơ hội tốt hơn trong cải thiện thứ hạng kết quả tìm kiếm.
1. Thiết lập chung (General Settings)
General
- Tour: Click Start Tour sẽ giúp bạn duyệt nhanh những tính năng của Yoast SEO.
- Credits: Nếu bạn tò mò những gã nào đứng đằng sao Yoast SEO, click nút này để xem.
- Restore Default Settings: Giúp bạn khôi phục Yoast SEO về các thiết lập mặc định ban đầu.
Your Info
- Website Name: Mặc định, Google sẽ sử dụng site name trang web của bạn (bạn cấu hình Settings -> General) để hiển thị ở kết quả tìm kiếm. Ở đây, bạn có thể thay đổi tên trang web và một tên thay thế bạn muốn Google xem xét hiển thị.
- Company or person: Thông tin này sẽ được sử dụng như một phần Đồ họa kiến thức của Google (Google’s Knowledge Graph). Thông tin bạn cung cấp bạn ở đây thường xuất hiện phía bên tay phải khi người sử dụng tìm kiếm thương hiệu của bạn.
Webmaster Tools
Thông thường bạn vào trang chủ các Webmaster Tools để xác thực sau khi dựng xong website. Do vậy phần này bạn có thể bỏ qua.
Security
- Advanced part of the Yoast SEO meta box: Nếu website của bạn có nhiều tác giả, bạn có thể xem xét disabled tùy chọn này. Bởi vì bạn không muốn bất cứ ai có thể thay đổi các thiết lập liên quan đến SEO cho trang web của bạn.
2. Phần Titles & Metas
Bây giờ chúng ta chuyển sang phần Titles & Metas. Ở đây bạn cấu hình cách nội dung hiển thị trong kết quả tìm kiếm.
General
- Title Speparator: chọn ký tự chia tách cho tiêu đề trang của bạn. Phần này thuần tùy chỉ là sở thích của bạn.
Hai tùy chọn bên dưới bạn giữ nguyên như vậy. Đây là tính năng quan trọng của Yoast SEO.
Homepage
Ở đây và một vài màn hình cấu hình khác, bạn có thể sử dụng một số biến vào việc thiết lập định dạng tiêu đề. Để xem danh sách toàn bộ biến bạn có thể sử dụng, bạn có thể vào phần Help.
- Title Template: Ở đây bạn thiết lập định dạng tiêu đề cho trang chủ. Thiết lập mặc định là Ok.
- Meta Description Template: Bạn cung cấp template cho phần mô tả về trang chủ (meta description) của bạn. Phần thông tin mô tả này sẽ được hiển thị phía dưới URL trong kết quả tìm kiếm.
Post Types
Ở dây bạn sẽ cấu hình định dạng tiêu đề và thông tin mô tả cho Post, Page, Media hay bất cứ kiểu Post tùy biến.
- Meta Robots: Nếu bạn muốn phần nào của trang web được đánh chỉ mục bởi bộ máy tìm kiếm thì để index, ngược lại noindex. Nói chung những cái nào không có giá trị SEO thì bạn nên để noindex. Ví dụ khi bạn sử dụng plugin ThirstyAffiliates để quản lý liên kết tiếp thị (affiliate link), plugin sẽ tạo kiểu post cho mỗi liên kết tiếp thị. Với kiểu post này bạn nên ngăn bộ máy tìm kiếm đánh chỉ mục.
- Date in Snippet Preview: Mặc định ngày tháng sẽ không xuất hiện trong phần kết quả tìm kiếm của các bộ máy tìm kiếm. Tuy nhiên nếu bạn sở hữu một website tin tức, bạn có thể muốn ngày tháng xuất hiện.
- Yoast Meta Box: Nếu kiểu Post nào bạn không muốn cấu hình Yoast SEO, bạn có thể ẩn Yoast Meta Box cho giao diện trở nên gọn hơn
Về tiêu đề, mặc định tên của post theo sau tên trang web của bạn. Cấu hình như vậy là ổn. Chỉ nhớ rằng không đánh chỉ mục những kiểu nội dung bạn không muốn xuất hiện trong kết quả tìm kiểm. Ví dụ affiliate link như mình đề cập ở trên.
Taxonomies
Taxonomies là thuật ngữ trong WordPress để ám chỉ một chức năng phân loại post type. Mặc định chúng ta có 2 taxonomy cơn bản nhất đó là Tag, và Category.
Giống như Post Types, thiết lập cho phần tiêu đề là ổn. Còn phần đánh chỉ mục (index), cá nhân mình không đánh chỉ mục cho phần Taxonomies nhằm hạn chế việc duplicate content.
Archives
Quan trọng nhất ở phần này là bạn phải xác định những phần nào nên đánh chỉ mục.
- Author Archive: Bạn sở hữu một website mà chỉ mình bạn là tác giả. Vậy đừng đánh chỉ mục phần này để tránh duplicate content.
- Date Archive: Phần này không có giá trị đối với bộ máy tìm kiếm. Do vậy bạn hãy để noindex.
- Special Page: Phần này sẽ không xuất hiện trong kết quả tìm kiếm. Chỉnh sửa lại tiêu đề nếu bạn thích.
Other
Phần này không quan trọng lắm bạn giữ nguyên thiết lập mặc định.
3. Phần Social
Bây giờ, chúng ta chuyển sang phần thiết lập cho mạng xã hội. Những ngày này mạng xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc tăng giá trị SEO cho trang web của bạn. Do vậy bạn đừng bỏ qua phần này.
Accounts
Ở màn hình này, bạn nhập vào tài khoản mạng xã hội của bạn. Điều này giúp Google biết các trang mạng xã hội bạn cung cấp có liên quan đến trang web của bạn. Do vậy, chúng sẽ xuất hiện trong kết quả tìm kiếm khi người sử dụng tìm kiếm theo thương hiệu của bạn.
Bạn có thể cấu hình chi tiết cho từng mạng xã hội ở các tab Facebook, Twitter, Pinterest, Google+. Những cấu hình này giúp cho nội dung của bạn hiển thị tốt nhất trên khi được chia sẻ trên các mạng xã hội
4. Phần XML-Sitemaps
Sitemap là thông tin quan trọng với bộ máy tìm kiếm. Nó giúp cho bộ máy tìm kiếm dễ dàng đánh chỉ mục trang của bạn.
General
Phần này đảm bảo rằng bạn đã kích hoạt chức năng XML sitemap. Plugin sẽ làm phần còn lại như tự động cập nhật sitemap mỗi khi bạn có nội dung mới.
Một việc bạn nên làm ở đây. Lấy link XML sitemap bằng việc Click XML Sitemap. Sau đó bạn đăng ký URL Sitemap với Webmaster Tools.
Một điểm lưu ý bạn không nên sử dụng nhiều plugin có chức năng tạo sitemap. Điều này gây khó khăn cho bộ máy tìm kiếm khi duyệt trang của bạn để đánh chỉ mục.
Post Types
Bạn cấu hình những kiểu post nào không có sitemap. Những kiểu post nào không có giá trị SEO thì bạn bỏ ra khỏi sitemap. Quy luật chung là: nếu bạn thiết lập noindex ở phần Post Types của Titles & Metas (đề cập phía trên), thì ở phần này bạn bỏ post type đó ra khỏi sitemap.
Excluded Posts
Ở đây, bạn loại bỏ từng post ra khỏi sitemap bằng việc nhập ID của post tách nhau bằng dấu phẩy.
Taxonomies
Bạn cấu hình như post types
5. Phần Advanced
Đây là phần cấu hình nâng cao. Có thể bạn không cần chỉnh sửa thêm. Nhưng nó vẫn có giá trị nếu bạn hiểu được các cấu hình ở đây.
Breadcrumbs
Breadcrumbs là phần đường dẫn liên kết tới nội dung hiện tại xuất hiện ở phía trên tiêu đề nội dung, như hình bên dưới:
Việc sử dụng breadcrumbs chỉ là vấn đề sở thích. Một vài themes đã có sẵn breadcrumbs như theme beginner mà toolofblogger đang sử dụng
Permalinks
- Strip Category Base: Mặc định, đường dẫn khi bạn click vào một category trên trang web WordPress, chứa ‘/category/’. Bạn có thể bỏ ‘/category/’ với tùy chọn này. Nhưng tốt nhất bạn giữ nguyên như vậy.
- Redirect Attachments: Các file kỹ thuật số như ảnh, video được lưu trữ như kiểu post. Nghĩa là chúng có đường dẫn riêng. Khi người sử dụng tìm được chúng trong kết quả tìm kiểm của Google và click vào đường dẫn, họ sẽ được đưa tới trang hình ảnh gốc. Nếu bạn chọn redirect, họ sẽ đưa tới bài post mà chúng được gắn. Bạn nên chọn redirect nếu website của bạn có quá nhiều hình ảnh. Điều này sẽ giảm tình trạng có nhiều nội dung chất lượng thấp trên trang của bạn.
- Stop words in slugs: Phần này có tác dụng với site tiếng anh. Nó giúp bạn tạo ra URL gọn hơn bằng việc loại bỏ stopwords trong URL như ‘a’, ‘the’ vân vân.
- Remove the ‘replytocom’ variable: Tùy chọn này quan trọng khi bạn có trang web với lượng comment lớn. Vì nó có thể tăng hiệu quả đánh chỉ mục của bộ máy tìm kiếm.
- Redirect ugly URLs to clean permalink: Bạn giữ nguyên như mặc định.
RSS
Phần này cho phép bạn bổ sung nội dung ở đầu hay cuối RSS. Nó giúp các bộ máy tìm kiếm xác định bạn là tác giả của bài viết. Mọi thiết lập ở đây là ổn rồi.
6. Tools
Yoast SEO cung cấp cho bạn một số công cụ hữu ích sau:
- Bulk Editor: Giúp bạn nhanh chóng thay đổi tiêu đề post và thông tin mô tả của nhiều bài post và page của bạn, thay vì sửa từng cái một. Điều này tiết kiệm nhiều thời gian khi bạn cài đặt plugin trên một trang đã có nhiều nội dung.
- File Editor: Sửa trực tiếp các file quan trọng như robots.txt và .htaccess. Bình thường muốn sửa những file này bạn phải truy cập chúng bằng FTP.
- Import/Export: Nhập các chế độ thiết lập từ các plugin SEO khác và xuất ra các chế độ thiết lập để tái sử dụng trên các blog khác.
Cách sử dụng Yoast SEO
Phần này mình sẽ đề cập tới cách sử dụng Yoast SEO.
Nói chung Yoast SEO giúp bạn 3 việc: nghiên cứu từ khóa, phân tích trang, và quan trọng nhất là tạo nội dung tối ưu SEO.
1. Nghiên cứu từ khóa
Khi cài đặt và activate plugin, Yoast SEO bổ sung một mục mới trên Admin Bar. Ở đây bạn sẽ tìm thấy mục con có tên gọi là nghiên cứu từ khóa (keyword research). Thực chất, đó chỉ là liên kết tới 2 công cụ nghiên cứu từ khóa của Google bao gồm Google Keyword Planner và Google Trend. Và một công cụ nghiên cứu từ khóa khác là SEO Book Keyword Tool.
2. Phân tích trang
Phân tích trang (Page Analysis) cũng nằm phần Admin Bar. Nhưng nó chỉ hiển thị khi bạn xem một trang trên front-end. Giống như phần nghiên cứu từ khóa, Yoast SEO cũng link tới các ứng dụng bên ngoài để phân tích trang. Điều này giúp bạn tiết kiệm thời gian thay vì sao chép URL và dán váo các ứng dụng bên ngoài.
3. Tạo nội dung
Đây là chức năng chính của Yoast SEO, giúp bạn tạo nội dung tối ưu SEO. Sau khi cài đặt, bạn sẽ nhìn thấy một khung có tên Yoast SEO (Yoast Seo Meta box) ở dưới màn hình soạn thảo:
Khung này có nhiều tab giúp bạn kiểm soát nhiều phần khác nhau của nội dung
- Tối ưu nội dung bao gồm phân tích tính dễ đọc, tối ưu hóa cho keyword và các phân tích trang khác
- Cấu hình cho mạng xã hội
- Cấu hình nâng cao
Chúng ta sẽ đi sâu chi tiết từng phần.
Snippet Review
Như bạn đoán được, phần này chính là các thông tin sẽ được hiển thị trong kết quả tìm kiếm của bộ máy tìm kiếm. Yoast SEO sẽ cung cấp cho bạn cái nhìn trực quan bài viết của bạn sẽ được hiển thị như thế nào dưới con mắt của bộ máy tìm kiếm.
Thêm nữa, Yoast SEO có thanh trạng thái với màu sắc thay đổi, giúp bạn biết kết quả về mặt SEO cho việc sửa đổi từng phần. Ví dụ bạn không nhớ được bao nhiêu từ cho meta description là tốt. Bạn chỉ cần nhập cho đến thanh trạng thái màu xanh là ổn.
SEO title
Bạn có thể cung cấp một tiêu đề khác cho bộ máy tìm kiếm. Trường hợp này xảy ra khi bạn có một tiêu đề bài viết rất dài. Bộ máy tìm kiếm có giới hạn trong việc hiển thị tiêu đề. Và tiêu đề dài không tốt cho SEO.
Bên cạnh đó, người sử dụng cũng không thể nhìn thấy hết tiêu đề bài viết trong kết quả tìm kiếm. Từ đó họ không sẽ không biết trang của bạn có thật sự chứa thông tin họ đang tìm kiếm hay không.
Do vậy, bạn cần rút ngắn thành tiêu đề để tạo ra một phiên bản tiêu đề cho bộ máy tìm kiếm. Tuy vậy, việc rút ngắn này phải đảm bảo thể hiện được chủ đề bài viết của bạn. Có như vậy mới thu hút người dùng click vào bài viết của bạn trên kết quả tìm kiếm.
Meta Description
Bạn nên cung cấp thông tin mô tả về bài viết. Nếu bạn không nhập thì Google có thể lấy ngẫu nhiên một phần trong bài viết làm phần mô tả, thường là phần đầu. Những thông tin như vậy sẽ không thu hút người sử dụng click vào bài viết khi tìm kiếm trong Google.
Nói chung bạn nên đầu tư thời gian để có meta description cuốn hút. Như vậy bạn mới cải thiện được tỷ lệ CRT (tỷ lệ click bài viết / số lần bài viết được nhìn thấy thông qua kết quả tìm kiếm).
Slug
Phần đường dẫn URL của bài viết. Một mẹo trong phần này là bạn giữ slug càng ngắn gọn càng tốt. Tốt nhất bạn chỉ cần từ khóa mà bài viết nhắm tới là được. Ví dụ bạn có bài viết muốn xếp hạng cao với từ khóa ‘sách làm bánh’, slug của bạn chỉ cần yoursitename.com/sach-lam-banh là tốt nhất. Như vậy giúp Google hiểu ngay được chủ đề bài viết.
Focus Keyword
Đây là từ khóa mục tiêu mà bạn muốn xếp hạng cao nhất cao nhất trên Google. Cung cấp từ khóa mục tiêu giúp Yoast SEO phân tích trang của bạn đã được tối ưu cho từ khóa đó chưa. Bạn sẽ nhìn thấy kết quả thông qua màu sắc và thông báo trên phần tiêu đề của tab Keyword:tên-từ-khóa hay khu vực Publish
Page Analysis
Ở đây bạn sẽ nhìn thấy kết quả phân tích trang của Yoast SEO cho từ khóa mục tiêu của bạn. Tùy theo kết quả, bạn chỉnh sửa lại bài viết của bạn cho tối ưu.
Nhưng nhớ rằng bạn viết nội dung cho người đọc đầu tiên, sau đó mới cho bộ máy tìm kiếm. Bộ máy tìm kiếm sẽ trao thưởng cho bài viết phục vụ tốt nhất cho độc giả. Do vậy, đừng tối ưu quá mức ở đây. Về SEO on page bạn chỉ cần đạt một vài tiêu chí sau là ổn:
- Từ khóa mục tiêu nên ở càng gần đầu tiêu đề bài viết càng tốt.
- Từ khóa mục tiêu nên xuất hiện trong 100 từ đầu tiên của bài viết. Không cần tối ưu mật độ từ khóa. Chỉ có lặp lại từ khóa vài lần ở đầu, thân, và phần cuối bài viết là ổn.
- Có từ khóa ở thẻ H2, và thẻ alt của hình ảnh. Nhưng điều này phải trông tự nhiên không thì bạn có thể bị phạt vì nhồi nhét từ khóa (keyword stuffing).
Advanced
Phần này bạn không cần chỉnh sửa gì. Vì tất cả cấu hình ở đây bạn nên thiết lập ở Global Settings như hướng dẫn phía trên. Nhưng nếu bạn muốn có thiết lập riêng cho bài viết thì thay đổi ở đây.
Mình sẽ giải thích từng mục:
- Meta Robots Index: Quyết định liệu post hay page có được đánh chỉ mục bởi bộ máy tìm kiếm hay không.
- Meta Robots Follow: Quyết định liệu bộ máy có tiếp tục dò theo các liên kết (follow) trong bài viết hay không.
- Meta Robots Advanced: phần này đề cập một số tag meta, không quan trọng nên bạn đừng nghiên cứu làm gì.
- Canonical URL: Bạn sử dụng tính năng này khi muốn xuất bản lại nội dung đã có ở một nơi nào đó trên web. Ở đây bạn sẽ nhập vào URL bài gốc để tránh nguy cơ bị phạt vì trùng lặp nội dung
Social
Phần này giúp bạn thiết lập tiêu đề, mô tả và ảnh đại diện khi chia sẻ bài viết trên Facebook hay Twitter. Vì mỗi mạng xã hội có những chuẩn riêng nên ở đây bạn có thể tối ưu bài post cho từng mạng xã hội khác nhau.
Readability
Phần này giúp kiểm tra độ dễ đọc bài viết của bạn. Yoast SEO sẽ kiểm tra độ dài từng đoạn, từng câu, số lượng từ cho mỗi tiêu đề, và từng câu. Nếu bài viết của bạn là tiếng Anh sẽ có thêm điểm dễ đọc và việc sử dụng transition word, passive voice. Phần này giúp mình rất nhiều cho các blog tiếng Anh của mình.
Lời kết
Yoast SEO là plugin cực kỳ mạnh mẽ. Với plugin trong tay, bạn có thể kiểm soát hàng tá các thiết lập quan trọng cho website của bạn. Từ định dạng tiêu đề, quy tắc đánh chỉ mục, cách xuất hiện trong kết quả tìm kiếm.
Bên cạnh đó, việc tạo nội dung tối ưu SEO trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Phần phân tích trang cực kỳ chi tiết và trực quan. Nhìn vào là bạn biết ngay phần nào của bài viết chưa được tối ưu SEO. Bạn không cần phải đoán mò trong việc tối ưu trang.
Yoast SEO chắc chắn không giúp bạn một phát leo lên vị trí đầu tiên trong kết quả tìm kiểm của Google. Nhưng việc sử dụng Yoast SEO sẽ giúp kế hoạch SEO trang web của bạn đi đúng hướng.
Trung thực mà nói, thật khó để thực hiện kỹ thuật SEO on-page mà không có plugin này.
Bạn có đang sử dụng Yoast SEO hay không? Nếu có, hãy chia sẻ kinh nghiệm của bạn ở comment bên dưới.
Yêu thích viết blog.