Trước kia mình có chia sẻ danh sách các plugin WordPress thiết yếu. Trong danh sách đó có cả plugin miễn phí và trả phí.
Ngày hôm nay mình biên soạn và tổng hợp lại những plugin WordPress miễn phí thiết yếu và phổ biến hiện nay.
Với những plugin này website của bạn sẽ có đầy đủ tính năng cần thiết mà không mất một khoản chi phí nào.
Chúng ta cùng bắt đầu danh sách plugin WordPress miễn phí.
1. Jetpack
Jetpack là một plugin thuộc loại freemium. Nghĩa là nó cả tùy chọn miễn phí và trả phí.
Jetpack là sản phẩm của Automattic, đơn vị đứng đằng sau WordPress. Do vậy không nghi ngờ gì khi đây là một trong những plugin miễn phí phổ biến nhất. Do vậy mình để nó ở đầu danh sách.
Jetpack đem lại cho bạn rất nhiều tính năng như bảo mật, tăng hiệu suất website, tối ưu ảnh vân vân. Nó cũng giúp giám sát uptime/downtime website 5 phút một lần.
Vì nhiều tính năng nên mọi người lo ngại Jetpack ảnh hưởng tới website. Nhưng theo mình bạn chỉ cần bật những tính năng mà website bạn cần tới thì không cần phải lo lắng gì.
2. Akismet
Akismet cũng là một sản phẩm của khác của Automatic
Nó là một trong những plugin mặc định WordPress mỗi khi bạn cài một website WordPress mới. Đây là plugin chống spam. Nó kiểm tra tất cả comment và lọc ra những comment nào thuộc dạng spam.
Đọc thêm: Hướng dẫn cài đặt plugin Askimet để chống spam
3. Yoast SEO
Không nghi ngờ gì:
Bộ máy tìm kiếm chắc chắn là nguồn traffic quan trọng và không thể bỏ qua với tất cả website ngoài kia.
Do vậy bạn không thể không học đôi chút về SEO nếu bạn muốn có một website thành công.
Khi nói về SEO cho website WordPress, có một plugin giúp bạn dễ dàng thực hiện vài kỹ thuật SEO đơn giản nhưng cần thiết. Đó chính là plugin Yoast SEO.
Yoast SEO là một plugin giúp bạn tạo ra nội dung tốt hơn và thân thiện với bộ máy tìm kiếm. Với Yoast SEO bạn có thể biết bài viết của mình đã được tối ưu tốt cho một từ khóa bạn đang nhắm tới hay không. Ngoài ra bạn cũng dễ dàng biết được tiêu đề và meta description của mình đã thân thiện SEO hay chưa.
4. Kiwi Social Sharing
Tính năng chia sẻ bài viết trên mạng xã hội bây giờ quá quen thuộc rồi phải không?
Thật khó để tìm ra website mà không có nút chia sẻ mạng xã hội ở đâu đó xung quanh bài viết.
Hầu hết các theme hiện nay đặc biệt theme trả phí đều có sẵn tính năng này. Do vậy bạn không cần thiết phải cài thêm plugin.
Nhưng nếu theme của bạn không có bạn có thể tham khảo plugin Kiwi Social Sharing.
Plugin cho phép bạn hiển thị nút chia sẻ mạng xã hội ở post/page. Cụ thể các nút sẽ hiển thị ở trước hoặc sau nội dung hoặc cả hai nếu bạn muốn.
Plugin có kích thước nhỏ gọn, load nhanh. Giao diện dễ sử dụng với một vài cấu hình đơn giản.
Đọc thêm:11 plugin chia sẻ mạng xã hội tốt nhất cho WordPress
5. Speed Booster Pack
Cải thiện tốc độ website là việc bạn nên làm. Nếu bạn vẫn chưa hài lòng với tốc độ website của mình hoặc bạn muốn cải thiện điểm trong các công cụ test tốc độ như GTMetrix, bạn nên tham khảo plugin Speed Booster Pack.
Nó có kích thước nhỏ gọn, thân thiện sử dụng. Ngay sau khi cài đặt và kích hoạt plugin bạn có thể ngạc nhiên với tốc độ tải trang website của bạn.
Một vài tính năng nổi bật của plugin phải kể đến như thu gọn file css, di chuyển script xuống dưới footer, tải ảnh trễ, remove query string vân vân.
6. Simple Author Box
Author Box là một tính năng giúp tăng độ trust của website. Với Author Box độc giả sẽ biết ai đứng đằng sau website.
Như vậy bạn sẽ tạo nên mối liên kết giữa tác giả và độc giả. Sự tin tưởng có được sẽ khiến dễ dàng chuyển họ thành khách hàng.
Nếu theme bạn không có tính năng Author Box, hoặc muốn cải thiện thêm Author Box cho nó hấp dẫn hơn, hãy tham khảo plugin Simple Author Box.
Một vài tính năng nổi bật phải kể đến:
Hiển thị tất cả thông tin cần thiết về tác giả bài viết bao gồm tên, tài khoản mạng xã hội, ảnh vân vân. Hiển thị tốt trên các thiết bị khác nhau.
Đọc thêm: Cách thêm hộp thông tin tác giả vào website WordPress
7. Remove Foooter Credit
Hôm trước mình có chia sẻ bài viết cách loại bỏ Powered by WordPress. Trong đó mình đề cập tới plugin Remove Footer Credit.
Đây là cách dễ dàng nhất nếu bạn muốn bỏ credit của theme, đặc biệt với những bạn không biết code.
8. Duplicator
Duplicator là plugin không thể thiếu nếu bạn muốn migrate hay clone website. Tình huống này xảy ra khi bạn muốn di chuyển website từ host này sang host khác. Thay vì làm thủ công bạn có thể sử dụng plugin này.
Plugin sẽ đóng gói source và cơ sở dữ liệu thành file zip. Bạn chỉ cần di chuyển sang host mới. Tuy nhiên trải nghiệm với bản miễn phí với website có dung lượng lớn thì không ổn định lắm. Với tình huống này, chuyển host thủ công vẫn là giải pháp tốt nhất.
Đọc thêm: Cách di chuyển và sao lưu website với Duplicator
Lưu ý: Bạn cũng có thể sử dụng plugin Duplicator để xây dựng staging site.
9. Shortcodes Ultimate
Mình nghĩ rằng đây là plugin miễn phí không thể thiếu cho mọi website WordPress. Plugin này cung cấp cho bạn một bộ các shortcode giúp bạn tạo nội dung thêm phần hấp dẫn.
Cụ thể nó giúp bạn tạo tab, nút, hộp, slider, video và vô số thứ hay ho khác. Công việc của bạn chỉ là chỉnh sửa shortcode và chèn vào bài viết thông quan giao diện dễ dàng sử dụng.
10. Redirection
Chuyển hướng 301 là một phần khó tránh khỏi khi bạn quản trị một website WordPress.
Do vậy chắc chắn bạn cần tới một plugin xử lý tính năng này. Redirection là một plugin quản lý chuyển hướng phổ biến nhất hiện giờ với trên 900,000+ lượt cài đặt.
11. WP Smush - plugin nén ảnh
Nén ảnh là một trong những kỹ thuật tăng tốc website WordPress phổ biến nhất. Có nhiều cách để nén ảnh cho website, sử dụng một plugin miễn phí dĩ nhiên là giải pháp được nhiều người lựa chọn.
Ở khía cạnh này, WP Smush là plugin miễn phí cũng là plugin đáng để thử nghiệm nếu bạn còn lăn tăn chọn plugin nén ảnh. Ngoài ra bạn có thể tham khảo nhiều plugin khác ở đây.
12. Easy Google Font
Với những bạn xài theme trả phí thường theme đã tích hợp kho Google Font rồi. Nhưng với bạn xài theme miễn phí việc thay đổi font chữ thường khó khăn hơn.
Để giải quyết vấn đề này, bạn nên cài đặt plugin Easy Google Fonts. Bạn sẽ dễ dàng chọn font bạn muốn từ phần WordPress Customizer.
13. WP Super Cache
Cache là một kỹ thuật tăng tốc website WordPress phổ biến khác. Không có gì phải tranh cài khi nói rằng website cài đặt plugin cache chắc chắn có tốc độ nhanh hơn website không có tính năng cache.
Có nhiều plugin cache để bạn lựa chọn nhưng WP Super Cache là plugin vừa phổ biến lại dễ dàng sử dụng. Bạn chỉ cần bật tính năng cache là tốc độ website đã được cải thiện rồi.
14. WPForms
Contact form là phần không thể thiếu cho tất cả website. Ngoài ra bạn có thể có nhu cầu tạo form khác cho website.
Do vậy một plugin giúp bạn tạo form cũng không thể thiếu. Trải nghiệm với plugin này mình thấy WPforms dùng khá ổn. Giao diện sử dụng đơn giản. Tải nhẹ. Đó là vài ưu điểm của plugin miễn phí này.
Bạn có thể đọc thêm cách tạo contact forms với WPForms.
15. Elementor - plugin page builder miễn phí tốt nhất
Page Builder giúp bạn có thể xây dựng trang web mình muốn mà không cần biết code. Chỉ cần thao tác rê thả đại loại như vậy.
Trước mình có so sánh 3 plugin WordPress Page Builder miễn phí. Và nhận thấy Elementor có nhiều tính năng ngon nhất.
Bạn có thể tham khảo thêm cách tạo một landing page đơn giản sử dụng Elementor.
Yêu thích viết blog.