Bạn là newbie trong thế giới WordPress. Và bạn vô tình bắt gặp cụm từ FTP.
Bạn không hiểu nó là gì? Liệu bạn có cần sử dụng đến FTP trong việc quản trị website.
Với hướng dẫn sử dụng FTP này, mình sẽ giải thích FTP, cũng như hướng dẫn bạn sử dụng FTP để giải quyết nhiều tác vụ mà WordPress backend không thể làm được.
Làm chủ FTP giúp bạn tiến thêm một bước trong quản trị website từ vị trí của người bắt đầu.
FTP là gì?
FTP viết tắt của File Transfer Protocol. Nó là giao thức giao tiếp trong môi trường mạng giúp bạn truy cập web server.
Với FTP, bạn có thể chuyển file giữa máy tính của bạn và server, thay đổi quyền của thư mục và tập tin trên server.
Tóm lại FTP giúp bạn quản lý toàn bộ tập tin trong website của bạn chỉ trừ phần cơ sở dữ liệu.
Vì sao bạn cần FTP
Có vài nhiệm vụ bạn có thể sử dụng WordPress back end thay vì FTP.
Chẳng hạn bạn có thể upload từ tập tin từ máy tính lên web server từ chức năng Add media của WordPress. Nhưng kích thước tập tin khi upload bị giới hạn.
Một ví dụ khác bạn có thể thêm hay sửa code CSS và PHP sử dụng chức năng Editor bên trong WordPress dashboard. Mặc dù cách này không khuyến khích vì lý do bảo mật. Bạn nên tắt tính năng sửa file như vậy.
Sử dụng FTP trong hai tình huống trên mang đến sức mạnh và bảo mật tốt hơn.
Tuy nhiên, có vài tình huống bạn bắt buộc phải sử dụng FTP. Khi bạn cài đặt plugin, bạn có thể gặp vấn đề tương thích với các plugin đang tồn tại. Hệ quả là bạn sẽ nhìn thấy màn hình trắng khi truy cập website.
Trong tình huống này, bạn không thể truy cập WordPress Dashboard. Bạn chỉ có cách sử dụng FTP truy cập trực tiếp vào host để xóa plugin gây lỗi.
Trường hợp tương tự khi bạn sửa code cho file functions.php. Code bạn thêm vào gây chết website. Biết cách sử dụng FTP giúp bạn giải quyết vấn đề một cách nhanh gọn.
Tổng kết lại một vài tình huống bạn cần đến FTP:
- Di chuyển website đến web server mới.
- Xóa hay deactivate plugin hay theme gây ra vấn đề tương thích.
- Thay đổi file wp-config.php sau khi bạn di chuyển website ví dụ thay đổi thông tin kết nối cơ sở dữ liệu, bật hay tắt chế độ debug
- Thay đổi quyền hạn của file và thư mục
- Lưu ý: Bạn có thể sử dụng FileManager trong cPanel thay vì FTP để quản lý tập tin trên web server.
Phần mềm FTP Client
FTP Client là phần mềm sử dụng FTP để truy cập vào web server. Một vài phần mềm FTP client bạn có thể chọn
FileZilla: hỗ trợ tất cả các nền tảng.
Free FTP: dành cho Windows
Cyberduck: dành cho Windows, Mac.
Nếu bạn mới làm quen FTP, mình khuyên bạn nên sử dụng FileZilla. Hướng dẫn bên dưới mình sử dụng FileZilla.
Cách kết nối FTP với web server
Để FTP Client có thể kết nối với web server, bạn cần có 2 thông tin sau
- Địa chỉ của web server có thể ở dạng IP hay tên miền.
- Tài khoản FTP (username và mật khẩu)
Khi bạn mua hosting, công ty hosting tạo sẵn cho bạn một tài khoản FTP chính và cung cấp thông tin truy cập trong email.
Tài khoản FTP chính trên bạn không thể xóa được. Nhưng bạn có thể tạo thêm nhiều tài khoản FTP khác.
Điểm hay ở chỗ bạn có thể chỉ định một tài khoản có thể truy cập vào một thư mục nhất định trên server. Như vậy nếu bạn cung cấp tài khoản đó cho người khác thì không sợ họ đụng đến tập tin bạn không muốn.
Để tạo tài khoản FTP, bạn truy cập cPanel. Di chuyển tới khung Files. Click biểu tượng FTP Accounts.
Nhập vào username và password. Chọn thư mục mà user có quyền truy cập. Phần Quota chọn dung lượng dữ liệu bạn muốn truyền. Hoặc để Unlimited để truyền file không giới hạn dung lượng. Click Create FTP Account. Thế là xong.
User bạn tạo mới sẽ có dạng username@yourdomain.com. Khi cấu hinh FTP Client bên dưới, bạn phải nhập username như vậy.
Cấu hình FTP Client
Sau khi tải về FileZilla, bạn mở lên và nhập thông tin kết nối bạn đã có ở bước trên. Sau đó click Quick connect để kết nối.
Nếu kết nối thành công bạn sẽ nhìn thấy dòng Directory listing of "/" successful.
Một cách kết nối khác. Bạn tải về file cấu hình từ cPanel về máy tính của bạn.
Tiếp theo, trong FileZilla bạn truy cập File -> Import. Chọn file cấu hình bạn vừa tải về và import vào FileZilla.
Để kết nối sử dụng file cấu hình, bạn vào File -> Site Manager, click Connect. Như vậy bạn đỡ phải thủ công nhập vào thông tin địa chỉ, username và mật khẩu như cách trên.
Bây giờ bạn đã kết nối thành công với web server. Mình hướng dẫn bạn giải quyết một vài tác vụ phổ biến với FileZilla.
Truyền file nhờ FTP
Bạn để ý giao diện FileZilla chia thành 2 vùng. Bên tay trái là local site chứa những tập tin bên máy tính của bạn. Bên phải là remote site chứa toàn bộ tập tin bên server.
Khi bạn click vào một thư mục, hộp phía dưới sẽ xổ ra toàn bộ nội dung thư mục.
Để chuyền file từ local lên server, bạn chỉ cần kéo và thả file lên hộp remote
Ở phía đáy màn hình của FileZilla bạn sẽ nhìn thấy 3 tab Queued Files: File bạn chọn đang trong quá trình chuyển từ máy tính của bạn và web server
- Queued files: Những file đang trong quá trình đợi chuyển lên server.
- Failed transfers: những file gặp lỗi khi chuyển từ local lên server.
- Successful transfers: danh sách các file chuyển thành công lên server.
Upload các tập tin kỹ thuật số
Khi bạn upload tập tin kỹ thuật lên thư mục Uploads, WordPress sẽ không nhận ra những file này. Do vậy, bạn sẽ không nhìn thấy file khi truy cập Media trong WordPress Dashboard.
Cách khắc phục bạn cần cài đặt plugin Add From Server.
Quản lý quyền hạn File trong FileZilla
Một tác vụ khác bạn sử dụng đến FileZilla là thay đổi quyền hạn của file và thư mục trên server.
Để làm như vậy, bạn chỉ cần chuột phải trên thư mục và tập tin muốn. Khi menu ngữ cảnh xuất hiện, chọn Permission. Hộp thoại quyền hạn xổ ra. Thay đổi quyền hạn bạn muốn.
Chỉnh sửa file sử dụng FileZilla.
Để chỉnh sửa file bạn có thể làm 2 cách:
Thứ nhất, sửa trực tiếp ngay trên server. Cách này FileZilla sẽ tạo một file tạm trên máy tính của bạn.
Theo cách này, bạn chỉ cần click chuột phải lên file cần chỉnh sửa ở bên remote site. Ở menu ngữ cảnh, bạn chọn View/Edit File và chỉnh sửa file.
Cách còn lại, bạn kéo file về local và sửa trên local. Sau đó bạn upload lại file lên server. Lúc đó FileZilla phát hiện file đó đã tồn tại và cung cấp cho bạn nhiều lựa chọn. Hãy chọn ghi đè.
Trước khi chỉnh sửa file, bạn nên tạo file sao lưu phòng trường hợp bất trắc. Chẳng hạn nếu mình sửa file wp-config.php, mình sẽ tạo file một file sao lưu có tên wp-config-bak.php.
Sau đó mới tiến hành sửa file wp-config.php. Trong trường hợp có sửa sai, chúng ta có thể dễ dàng quay trở lại file gốc ban đầu
Kết luận
Như bạn thấy, biết cách sử dụng FTP giúp nhiệm vụ quản trị website trở nên dễ dàng linh hoạt.
FTP thực hiện nhiều tác vụ mà WordPress backend không thể làm được chẳng hạn như thay đổi quyền hạn của tập tin.
Một điểm mình nhắc lại:
Nếu bạn muốn chỉnh sửa file .htaccess, bạn hãy sử dụng FTP. Bởi vì mặc định bạn sẽ không nhìn thấy file này khi sử dụng File Manager trong cPanel. Còn nếu muốn sửa file này trong File Manager của cPanel, tham khảo bài viết này.
Với hướng dẫn sử dụng FTP này, bạn đã hiểu thêm về FTP và cách sử dụng sử dụng FTP.
Nếu bạn có vấn đề trong quá trình sử dụng FTP, hãy để lại comment bên dưới. Mình lúc nào cũng sắn sàng giúp bạn mọi vấn đề liên quan đến WordPress.
Nếu bạn yêu thích bài viết này của mình, hãy đăng ký email để nhận thông báo khi có bài viết mới.
Icon made by http://www.flaticon.com/authors/freepik from www.flaticon.com
Yêu thích viết blog.